Chân dung đẹp từ nét vẽ của thơ

Nguyên Hùng là một nhà khoa học nhưng lại yêu thơ đến say lòng. Không chỉ in thơ, anh còn cho ra mắt những tác phẩm độc, lạ khi tạo thêm mối duyên tơ giữa âm nhạc và văn chương, giữa thi sĩ và nhạc sĩ mà bằng chứng là tuyển tập “Trăm khúc hát một chữ duyên”. Chưa dừng lại đó, với 81 chân dung văn học anh còn trình làng cuốn “Ký họa thơ” không ngoài mục đích chuyển tải di sản thơ ca đến với độc giả được gần hơn. Rõ ràng không chỉ yêu thơ, anh còn là người tìm mọi cách để cho thơ được chắp thêm đôi cánh bay giữa khoảng trời văn chương bao la.

Cũng vì yêu thơ mà anh yêu cả thi sĩ, những chủ nhân đã làm nên bài ca cuộc đời từ vần điệu, ngôn từ và thể loại. Cầm cuốn Ký họa thơ trên tay, bỗng nhiên ký ức tôi lại quay về với thời gian trước đây khi đọc 102 mảnh ghép nhân văn của nhà thơ quê xứ Nghệ. Để có một bài thơ chuẩn xác về một thi sĩ, nhất là thi sĩ lớn là điều không hề dễ. Trước hết đòi hỏi phải có kiến thức đầy đủ về thân thế và đặc biệt là sự nghiệp của họ. Nhưng đó chỉ là cái nền cơ bản để người viết bắt tay vào công việc không hề đơn giản là phác họa chân dung tác giả bằng chính sản phẩm mà họ đã từng làm ra. Nguyên Hùng đã dày công đào xới vào đống tư liệu ngổn ngang của từng con người, mỗi số phận để dựng nên một bức tượng tác giả bằng thơ. Bức tượng đó vừa có hình khối cuộc đời nhưng lại phải có xương thịt của tác phẩm mà các nhà thơ, nhà văn để lại cho hậu thế.

Chân dung đẹp từ nét vẽ của thơ - 1

Bìa cuốn sách "Ký họa thơ".

Thực ra sự lắp ghép tên tác phẩm lại với nhau là công việc nhẹ nhàng nhưng để có một bài thơ với những tên tác phẩm được liệt kê có ý nghĩa thì lại là một công việc khác. Đó là điều anh đã làm được. Phải thật hiểu, thật yêu từng đồng nghiệp thì Nguyên Hùng mới phác thảo lên được những bức ký họa mà mỗi khuôn mặt thi nhân đều rất riêng, không bị nhạt nhòa và chẳng lẫn vào đâu được. Dù được xếp sắp theo thứ tự an-pha-bê nhưng tôi vẫn chọn tìm những tác giả quen thuộc để ngắm trước. Tất nhiên không thiếu Tố Hữu, Chính Hữu, Nguyễn Bính, Vũ Cao, Huy Cận, Quang Dũng, Chế Lan Viên, Tế Hanh, Viễn Phương, Nguyễn Đình Thi… những cánh chim đầu đàn của nền thơ cách mạng. Một lần nữa, bạn đọc lại được chiêm ngưỡng các khuôn mặt “cây đa cây đề” trong làng văn chương kháng chiến ở một góc nhìn và tâm thế mới.

Đó còn là một thế hệ nhà thơ trẻ tiếp nối cha anh trong thời kỳ chống Mỹ mà tiêu biểu là Phạm Tiến Duật, Nguyễn Khoa Điềm, Phan Thị Thanh Nhàn, Lâm Thị Mỹ Dạ, Bế Kiến Quốc, Phạm Ngọc Cảnh, Trần Đăng Khoa … với một giọng điệu riêng trong dàn đồng ca lớn. Bên cạnh các nhà thơ quen thuộc, càng tò mò hơn khi bạn đọc được ngắm các nhà văn trong thời đại mới ở các địa phương khác nhau dù trên 3 miền nhưng đều có chỗ đứng vững vàng trong ngôi nhà thơ cả nước: Lê Thiếu Nhơn, Lê Quốc Hán, Nguyễn Bình Phương, Trần Văn Tuấn, Kao Sơn, Bùi Anh Tấn…

Mỗi bài thơ anh viết chính là bản lý lịch trích ngang về thành tựu văn chương mà họ đã gặt hái được trên mỗi chặng đường đời. Bản lý lịch đó được in trên trang bên trái, không ghi chép các thông tin từ trang bên phải mang tính chất thông tấn mà được đắp xây lên bởi những vật liệu văn chương thú vị. Khi tên tác phẩm được anh đưa vào thơ thì dường như nó được sinh ra lần nữa trong bối cảnh và không gian mới để cho mỗi câu thơ đều có ý nghĩa trọn vẹn. Đó chính là công sức lao động và tài năng của đôi bàn tay người viết. Hình như đây cũng là sở trường và cả đam mê của nhà thơ họ Nguyễn. Còn nhớ, mỗi khi đồng nghiệp ra sách, Nguyên Hùng đều có một bản tổng kết bằng thơ dù nói ít nhưng lại chứa được nhiều thông tin trong đó. Tác giả thì cảm ơn anh, người nghe như lòng mình được nói hộ. Tôi nhớ không nhầm, hầu hết các thi hữu từ quen đến lạ đều có một lý lịch văn chương trích ngang, một tờ giấy khai sinh tác phẩm mà do Nguyên Hùng phác thảo. Đó được coi là tấm danh thiếp văn nghiệp của bạn bè quanh anh. Từng chân dung hiện lên đẹp bằng nét vẽ đa sắc của ngôn từ, vần điệu.

Có người cho rằng, thơ nay ít người đọc. Nhưng với Ký họa thơ thì không thế. Bởi đây là một tư liệu tham khảo có thể cầm được trên tay về cuộc đời, sự nghiệp sáng tác của những nhà văn lớn.

THƠ NGUYÊN HÙNG

NGUYỄN BÍNH

Mười chín thầm mơ cô hái mơ 

Tương tư đã biết bấm khuy chờ

Chân quê đồng nội còn lưu dấu

Chanh nở vườn chanh tím ngẩn ngơ.

Nam tiến ngày vương hương cố nhân

Đêm nằm nghe tiếng trống đêm xuân

Mười hai bến nước ai còn nhớ

Một thuở trăm hoa nở mấy lần?

Trong bóng cờ bay nhớ đất Nam

Chạnh thương chị Trúc lỡ sang ngang

Một nghìn cửa sổ, đêm sao sáng

Thi sĩ tìm gì giữa đêm hoang?

Tết đến sao người nỡ vội đi

Để lại niềm thương, gió dặn gì

Ông lão mài gươm phun bã khói

“Một mình làm cả cuộc phân ly”…

30/6/2020

NGUYỄN KHẢI

Người viết rất hay về xung đột

Gặp chuyện bất đồng chỉ tránh thôi

Tóc xanh bước lạc trong mùa lạc

Đến bạc đầu đi tìm cái tôi...

Khi cùng chiến sĩ ra đảo lửa

Lúc một mình theo đường trong mây

Luôn tự nhủ hãy đi xa hơn nữa

Vòng sống đến vô cùng chính là đây.

Giữa một cõi nhân gian bé tí 

Đâu tiếc chi chút phấn của đời

Cha và con và... hoan hỉ

Nơi cao xanh thượng đế thì cười.

Thời gian của người rất vội

Vẫn dùng dằng cuộc gặp gỡ cuối năm

Để mãi nhớ một người Hà Nội

Sống ở đời đau đáu chuyện nghề văn.

17/12/2020

DIỆP MINH TUYỀN

Con đường có lá me bay

Là nơi anh với tháng ngày mộng mơ

Xa rồi cái thưở ngây thơ 

Giã từ phượng vỹ - tình cờ gặp em…

Từ mùa nước nổi sông Tiền

Thương mùa đông giá tận miền đảo mơ

Miệt mài chính luận, bình thơ 

Một đêm châu thổ bất ngờ hòa âm…

Bài ca người lính bổng trầm

Bài ca tạm biệt thì thầm lời yêu

Bài ca thành phố ban chiều…

Mỗi bài ca chở bao điều gửi trao

Tâm tài đang độ đỉnh cao

Tiếc thương anh - một ngôi sao sớm tàn

Nhưng người như lá mãi xanh 

Cùng hát mãi khúc quân hành bên nhau.

11/01/2024

PHAN THỊ THANH NHÀN

Đã xa cái tuổi trăng rằm

Đã xa cái thuở hương thầm giêng haiXóm đê ngày ấy còn aiVẫn chưa bỏ trốn năm dài ngây thơ?

Nghiêng về anh những đợi chờBông hoa không tặng héo khô mất rồi

Thôi đừng mơ hoa mặt trờiĐừng đi đường ấy với người khác em(*).

28/8/2017

(*) Ý thơ Phan Thị Thanh Nhàn

LÊ LỰU

Đâu người cầm súng thuở nào?

Nhớ thời xa vắng càng đau cánh diều

Sóng đáy sông lật đò chiều

Anh hùng lẫn với bọt bèo cùng trôi

Bạn bầu thời loạn đâu rồi

Có mình trong gã dở hơi Minh Sài? 

30/8/2017

NGUYỄN MINH CHÂU

Từ cửa sông, dấu chân người lính ấy

Còn in hằn mảnh đất tình yêu

Lửa từ những ngôi nhà nơi miền cháy

Hừng sáng lên tận bến quê nghèo.

30 năm chỉ cưỡi xe đạp nát

Mà tung hoành những vùng trời khác nhau 

Từ “gã quê mùa” vụng về nhút nhát(*)

Từng trang văn thấm đẫm niềm đau.

Nào ai ngờ sau phiên chợ Giát

Lão Khúng vội về bạn với cỏ lau 

Lời ai điếu cho một thời vừa tắt 

Khóc thương người, nhòe mắt đến ngày sau.

17/12/2020

 (*) Nhà thơ Xuân Quỳnh từng mắng yêu nhà văn Nguyễn Minh Châu là “gã quê mùa”.

Phan Ngọc Quang

Chuẩn mực văn chương
Chuẩn mực văn chương

Văn chương là trụ cột của văn học nghệ thuật. Văn học nghệ thuật là trụ cột của nền văn hóa. Đừng để văn chương...

Tin liên quan

Tin mới nhất

Ấn tượng khai mạc Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội lần thứ VII

Ấn tượng khai mạc Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội lần thứ VII

Lấy cảm hứng từ nghệ thuật văn hóa dân gian truyền thống đan xen những công trình kiến trúc hiện đại mang tính biểu tượng của Hà Nội, lễ khai mạc Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội lần thứ VII là một hoạt động tôn vinh điện ảnh nhiều sắc màu với sự xuất hiện của nhiều nghệ sĩ điện ảnh danh tiếng của Việt Nam và thế giới.