Một ngày thăm Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam (MEDDOM Park)
Đã nhiều lần lỡ hẹn với GS Nguyễn Anh Trí theo lời mời của ông vì lý do "kỹ thuật", lần này vợ chồng tôi ra Hà Nội vì lý do sức khỏe, Vương Khả Sơn tôi lại nhận được lời mời của GS Nguyễn Anh Trí lên Hòa Bình thăm Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam (MEDDOM Park).
Theo Đại lộ Thăng Long (Láng - Hòa Lạc), 8 giờ 20 phút xe chúng tôi đã có mặt tại Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
Đón chúng tôi ở cổng công viên là cháu Nguyễn Hữu Đồng, Phó Giám đốc điều hành. Cháu dẫn chúng tôi lên phòng làm việc của GS Nguyễn Anh Trí. Mừng vui vì rất đúng giờ, Giáo sư ôm lấy tôi, rồi kéo tất cả vào phòng khách dùng trà và cam Cao Phong nức tiếng.
Cổng vào Công viên di sản
Tôi tranh thủ tặng sách hồi ký "Ký ức Chiến tranh" của mình cho công viên, Giáo sư tặng sách của Công viên di sản cho tôi.
Để có thể đi được hầu hết các hạng mục của Công viên di sản, sau mấy câu thăm hỏi ông liền nói: “Chúng ta dùng nước và cam rồi tranh thủ đi cho kịp. Bởi vì ngoài diện tích tích trên 30ha với rất nhiều hạng mục, công trình, Công viên di sản còn lưu giữ trên 1 triệu tài liệu cùng hiện vật của trên 7000 nhà khoa học của Việt Nam ở mọi lĩnh vực; di chuyển bằng xe điện từ giờ đến 12 giờ trưa sẽ khó lòng hết được”.
Tác giả bài viết và GS Nguyễn Anh Trí
Xe do cháu Đồng cầm lái, đồng thời là MC cùng với ba MC khác, trong đó có Giáo sư trực tiếp giới thiệu, hướng dẫn hết sức chu đáo, chi tiết, tỷ mỉ các công trình, hạng mục.
Chúng tôi lần lượt được chiêm ngắm, chiêm bái, thưởng thức và đắm mình dưới những tán lá rừng xanh ngát, trên những con đường bê tông uốn lượn ngoằn ngoèo như những con trăn khổng lồ bò theo triền núi với nhiều tầng, lớp, khép kín.
Thấp thoáng dưới tán lá rừng bao phủ dày đặc một màu xanh mát mắt này là những hồ nước, suối nước nhân tạo, soi bóng những rừng cây ven bờ dưới nền trời mùa hạ xanh ngăn ngắt. Những hồ và suối này trước đó là những khe cạn, lũng khô, do bàn tay của con người ngăn đập chặn lại, tạo dựng, giữ nguồn nước mát đã làm nên một tiểu vùng khí hậu mát mẻ về mùa hè, ấm áp về mùa đông. Rất lý tưởng để nuôi dưỡng những những rừng cây và đa dạng sinh học ở vùng Cao Phong, Hòa Bình vốn có khí hậu khắc nghiệt, nhất là về mùa nắng nóng này.
Những tán lá rừng xanh ngát tại MEDDOM Park
Dưới những tán lá rừng xanh tốt thấp thoáng đan xen những công trình vật chất (cơ sở vật chất) độc đáo, đầy sáng tạo qua ý tưởng của Giáo sư cùng các kiến trúc sư và tập thể các nhà khoa học các lĩnh vực, đã thiết kế, xây dựng trong gần 20 năm qua, mà không hề trùng lặp với bất kỳ các công trình nào khác đã có mặt trong các công viên hay khu du lịch khác trên cả nước. Nhìn qua, ta có cảm giác và hình ảnh như một Đà Lạt thu nhỏ.
Đây thật sự là những sự sáng tạo độc đáo, độc nhất vô nhị chưa từng gặp đâu đó trên đất nước ta.
Đặc biệt là các công trình khoa học phi vật thể mà tôi đánh giá là "vĩ đại". Tôi thật sự bị choáng ngợp khi Giáo sư "bật mí", giới thiệu về sự "vĩ đại" (như tôi nói) của công trình từ việc xây dựng nhà cửa, phòng ốc, trang thiết bị hiện đại đến việc sưu tầm, tập hợp, nghiên cứu, sắp xếp, bảo vệ bằng công nghệ hiện đại các công trình của các nhà khoa học Việt Nam mà Công viên di sản này có được. Tất cả đã bạch hóa cho tôi hiểu tại sao "Công viên" này lại được đặt cái tên hội đủ tính đa chức năng của nó: " Công viên di sản các nhà khoa học Việt Nam". Nó không giống với bất cứ cái tên gọi nào về mặt hình thức lẫn nội dung - và cũng khi đến điểm gần cuối này tôi mới thấu hiểu hết ý nghĩa của cụm từ này.
Những ai từng đến nơi đây mới có thể hiểu được phần nào công lao sức lực, trí tuệ. tiền bạc của Giáo sư và các nhà đầu tư cùng tập thể cán bộ công nhân viên suốt gần hai chục năm trời, từ khi manh nha ý tưởng, "khai sơn phá thạch, xây dựng cơ đồ" để thực hiện khảo sát, làm các thủ tục pháp lý đến phương án xây dựng và xây dựng để hôm nay trên vùng đất Cao Phong, Hòa Bình đã có một công trình tổng hợp "vĩ đại" mà ai đã đến đây một lần sẽ còn muốn đến nhiều lần nữa.
Giáo sư cho biết, tốc độ xây dựng công trình khá nhanh. Công việc sưu tầm, thu thập tài liệu và hiện vật cũng tăng nhanh. Số nhà khoa học có tên trong danh sách của Bảo tàng các nhà khoa học Việt Nam cũng tăng theo theo tuần, theo tháng và năm. Năm nay đến rồi, nếu sang năm đến nữa, bạn sẽ thấy được sự đổi thay đến ngạc nhiên. Ở đây các công trình, cao ốc hay nhà nghỉ, khách sạn, nhà sàn đều được thiết kế "độc lạ" và chủ yếu được đặt tên các loài vật tự nhiên như Bướm, Cánh Cam, Công v.v và nhạc cụ như Guitar, T'rưng... Giáo sư cũng đã sưu tầm trên cả nước và ở hải ngoại, mang về đây nhiều loài cây quý hiếm đã trồng thành rừng như sưa đỏ, chò chỉ, chò nâu, giổi, săng lẻ (bằng lăng) v.v... đặc biệt, Giáo sư mang được 3 cây kơ nia từ Tây Nguyên về từ lúc còn bé bằng gang tay mà nay gần như cổ thụ, hoặc 2 cây đa trước cổng nhà chính, nay đã cổ thụ, tỏa bóng trùm kín cả một vùng rộng lớn che phủ một phần ngôi nhà lớn 3 tầng mang mẫu hình thiết kế kiểu Gô tích của Pháp.
Tham quan Công viên di sản MEDDOM Park
Nhìn những rừng cây cao lớn, có nơi, cây đã cao cả chục mét, thẳng tắp ken dày mới biết trí tuệ, sức lực, mồ hôi và cả nước mắt mà Giáo sư và đội ngũ cán bộ nhân viên ở đây đổ xuống không biết nhường nào... Chỉ một chi tiết nhỏ là mua đá của dân về để kè bờ suối, thung lũng để làm hồ làm suối trên núi cải tạo môi sinh đã hết hàng trăm ngàn tấn bằng cách cân tươi mà không thể được tính bằng mét khối (m3)?!
Từ trên cao của ngôi nhà "Cánh Bướm", GS Nguyễn Anh Trí đưa tay bao quát cả một vùng rộng lớn và cho biết, dự kiến đầu năm tới MEDLATEC sẽ ưu tiên đầu tư một nguồn vốn lớn cho MEDDOM để hoàn thiện hơn cho Công viên di sản này...
Đang say sưa giới thiệu, bất giác Giáo sư liếc nhìn đồng hồ rồi vội nói: “Thôi quên, mải mê theo việc không để ý. Đã hơn 12 rưỡi rồi, mời anh chị và cháu, chúng ta đi dùng cơm thôi. Để đi thăm hết các công trình và thưởng thức cảnh đẹp sơn thủy nơi đây, ít nhất phải mất hai ngày, anh chị và cháu ạ”.
Một góc MEDDOM Park
Chúng tôi bước vào phòng ăn mát lạnh. Trên bàn, thức ăn đã được bày sẵn do bàn tay khéo léo của một cô gái người Mường phục vụ. Cô gái xinh đẹp và trông rất chuyên nghiệp trong công việc, còn trẻ măng nhưng vợ chồng đã có hai con, theo giới thiệu của Giáo sư.
Ở đây thức ăn rất sạch, ngon và phong phú. Nhất là "gà đồi chạy bộ", thịt bò Cao Phong nổi tiếng và cá tự nhiên dưới suối. Đặc biệt là rau rừng. Cháu Đồng cho biết trong thực đơn của bữa ăn thường nhật và tiếp khách ở đây, tất cả đều có món rau rừng tổng hợp trên 30 loại cây rau.
Rượu Mường tiếp khách được cất nấu cẩn thận rồi mang xuống Bệnh viên Bạch Mai để xử lý an toàn trước khi trả ngược về Công viên di sản Cao Phong để sử dụng. Giáo sư cho biết các đoàn tham quan Tây Bắc hoặc tham quan Công viên di sản đều thích thú, tấm tắc khen về mọi mặt, nhất là công trình về các nhà khoa học, phong cảnh, môi sinh và ẩm thực nơi đây. Những ai đã một lần thưởng thức là lại muốn trở lại thêm lần khác.
Năm nay nghỉ lễ 30/4 và 1/5 dài ngày nên khách thập phương và các tỉnh đồng bằng, nhất là Hà Nội lên nghỉ dưỡng nơi này kín chỗ. Các đoàn đến sau phải quay đầu, nếu như không đăng ký trước.
Bằng tấm thịnh tình, Giáo sư và cháu Đồng (Phó Giám đốc) gợi ý và có lời mời hằng năm ghé thăm công viên, đồng thời nếu đi tham quan qua vùng Tây Bắc thì cứ điện thoại báo cơm cho cháu Đồng (kể cả đoàn tham quan) vào nghỉ ngơi, vãn cảnh và ăn uống, giá cả phải chăng, thoải mái trước khi lên đường về nhà. Công viên di sản sẽ đón tiếp chu đáo, thịnh tình.
Chia tay sau bữa trưa đặc sản và tiệc trà thân mật, buổi chiều chúng tôi xin phép Giáo sư và Ban giám đốc công viên được tạm biệt để về Hà Nội.
Trân trọng cảm ơn Giáo sư đã có lời mời chân thành và ấm áp. Đặc biệt là mặc dù rất bận rộn nhưng Giáo sư và Ban Giám đốc vẫn dành hơn một nửa ngày trời cho gia đình tôi, lại còn trực tiếp làm "MC" để phục vụ chúng tôi hết sức tận tình, chu đáo như tiếp thượng khách.
Giáo sư cho biết, tại Công viên di sản này, các đoàn và cá nhân khách VIP đã nhiều lần đến thăm và nghỉ dưỡng.
Còn tôi, nhất định sẽ còn trở lại nơi này...
Bình luận