Nhà báo - nghệ sĩ Hoàng Kim Đáng tuổi 85 với công trình “Tỏa sáng đất trời Nam”

Người ta biết đến một Hoàng Kim Đáng không phải chỉ ở những bài báo, những bài bút ký hồn hậu, những tấm ảnh ấn tượng, có sức lay động lớn xuất hiện đều đặn trên nhiều báo như Người Hà Nội, Văn nghệ, Quân đội nhân dân, Văn nghệ Công an, Tạp chí Nhiếp ảnh… trong mấy chục năm trở lại đây. Người ta còn trân trọng một Hoàng Kim Đáng qua 4 cuộc triển lãm ảnh cá nhân với quy mô tầm cỡ. Trong giới văn nghệ sĩ, người ta quý mến một Hoàng Kim Đáng ở tính chân tình với bè bạn, đồng nghiệp, với giới trẻ chập chững vào nghề.

Không những vậy, người ta còn sửng sốt và nể phục bởi sức làm việc phi thường của một Hoàng Kim Đáng qua gần 20 tập sách gồm sách ảnh, ký, thơ in chung và riêng. Trong đó có những cuốn sách mang đẳng cấp quốc tế như: Đường Hồ Chí Minh trong chiến tranh (2007); Ảnh Việt Nam thế kỷ XX - Bộ Văn hoá Thông tin và Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam (trong Ban biên tập); Thăng Long – Hà Nội qua hình ảnh (chủ biên) – NXB Hà Nội (2010)... Và mới nhất là cuốn Tỏa sáng đất trời Nam vừa xuất bản quý III năm 2024 – NXB Hội Nhà văn.

Cuốn sách này có nhiều thứ quá đặc biệt bởi nó được viết khi tác giả bước vào tuổi 83, hoàn thành ở tuổi 85 và vừa bị bạo bệnh trở về. Đây thật là chuyện hiếm có từ trước tới nay. Hoàng Kim Đáng quả là tấm gương yêu lao động sáng tạo cho tất cả mọi người, và tấm gương ấy thực sự có ý nghĩa với thế hệ trẻ.

Điều đặc biệt tiếp theo chính là chất lượng của cuốn sách. Tỏa sáng đất trời Nam là một trong những cuốn sách đồ sộ nhất, chất lượng nhất trong gần 20 đầu sách của tác giả Hoàng Kim Đáng. Như câu nói của Vônte: “Đối với một số người, tuổi già là mùa đông, còn đối với văn nghệ sĩ, đó là mùa gặt hái”, tác giả Hoàng Kim Đáng thực là một minh chứng sống như vậy. Khi Nhà nước cho ông nghỉ chế độ từ nhiều năm nay nhưng ông vẫn cần mẫn lao động và cho ra đời rất nhiều cuốn sách giá trị, trong đó là cuốn Tỏa sáng đất trời Nam.

Nhà báo - nghệ sĩ Hoàng Kim Đáng tuổi 85 với công trình “Tỏa sáng đất trời Nam” - 1

Bìa sách “Tỏa sáng đất trời Nam” vàn bản nhạc cùng tên của nhạc sĩ Hoàng Giai.

Có quá nhiều điều đáng nói về tác giả Hoàng Kim Đáng: từ lối sống, cách cư xử giản dị mà ấm áp, gần gũi và lịch thiệp; tới các mối quan hệ chất lượng ông có được. Những mối quan hệ này tạo thành môi trường danh nhân đầy những nhân vật khả kính. Ông không chỉ giao du, thân thiết mà còn “đọc” ra họ và hơn hết là đánh giá, khẳng định tài năng của họ, khắc họa họ bằng ảnh, bằng bài viết trong cuốn sách dày dặn này. Qua đó đủ biết tầm cỡ của tác giả. Hẳn phải đồng thanh mới tương ứng, đồng khí mới tương cầu được. Chỉ người tài mới nhận diện được người tài. Nếu ông không có những nét giao cảm, tương đồng, không cùng “kênh”, không cùng “tầng bay” với họ chắc chắn sẽ không thể có những mối quan hệ ấy, không thể có cuốn sách này.

Tuy nhiên, một đặc điểm cũng cần lưu ý. Ấy là nhiều khi người ta càng gần gũi, thân quen càng ít phục tài nhau. Các cụ có câu “bụt chùa nhà không thiêng”, nhưng ở ông thì ngược lại. Hoàng Kim Đáng không chỉ trân trọng tất cả những tài năng của các danh nhân quanh mình, không chỉ sưu tập, lưu giữ những chất liệu, những thành tựu về họ một cách khá đầy đủ và chuẩn xác, mà còn trân trọng cả khoảnh khắc đời thường bên cạnh họ, có khi chỉ là một câu nói, một tình huống hay một câu chuyện nhỏ nào đó. Những điều này không hề trôi qua vô thưởng vô phạt mà nó được khắc họa lại mang nhiều nét tính cách đặc trưng, bản chất, đầy sinh động và đáng yêu về một nhân vật nào đó.

Ví như việc tả lại dáng hình nhà văn Nguyễn Tuân, hay lời phát biểu của nhà văn này trong buổi ông cùng Nguyễn Văn Bổng đưa đoàn nhà văn, nhà thơ Liên Xô xuống thăm công trình thủy điện Sông Đà, cách Nguyễn Tuân muốn thay tên “Làng chuyên gia” bằng tên “Làng Vơ la đi mia I lich Lê Nin”, hay cách Nguyễn Tuân nói đùa rằng ở Việt Nam các chuyên gia Liên Xô thiếu một thứ vật chất quan trọng. Ai cũng đoán đó là “gái” thì nhà văn lại đưa ra đáp án đó là “tuyết”, khiến người trong cuộc lẫn người đọc hôm nay vẫn bị hấp dẫn đến bật cười. 

Hay lời trong thư của nhạc sĩ Văn Cao gửi cho ông trong mùa thu năm 1986, lời ghi chú bị run tay của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ở cuộc hội ngộ, kể cả lời nhận xét của Lưu Quang Vũ về tác giả Tào Mạt sau hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1985. Lúc ấy Lưu Quang Vũ có tới 8 vở dự thi thì thắng cả 8 (6 Huy chương Vàng và 2 Huy chương Bạc) trong khi tác giả Tào Mạt chỉ có bộ 3 vở chèo Bài ca giữ nước đạt Huy chương Vàng. Lưu Quang Vũ nhận xét với ông Đáng rằng “chú Tào Mạt là bậc thầy trên nhiều lĩnh vực” (tr. 301).

Hay cách nói sinh động, hài hước giàu tính châm biếm của Xuân Quỳnh cũng được viện dẫn khi cô đánh giá về từng kiểu người, nào là “trâu luộc cả con”, “chó lai Tây”, “rửa tay vòi nước này rồi sang tráng vòi nước kia”, “Anh ta còn đang tập nói cho đúng ngữ pháp”... Kể cả đời sống khó khăn của Xuân Quỳnh trong những năm bao cấp, phải đi vay tiền khắp các đồng nghiệp, trừ vay ông Đáng vì biết ông không có tiền. Thế nhưng cô vẫn có quà chu đáo cho mọi người, trong đó có ông khi đi công tác về và luôn dành vé xem kịch cho ông khi chồng có vở diễn mới. (tr. 302)

Còn vô vàn điều nên nói, đáng nói, cần nói về tác giả Hoàng Kim Đáng như tình yêu cháy bỏng với cái đẹp, sự cần mẫn cao độ với công việc, sự cẩn trọng, nâng niu từng chi tiết, từng con chữ trong bất kỳ bài viết hay sản phẩm nghệ thuật nào của ông. Đó là thái độ làm việc giống như một chiến binh, là trách nhiệm cao cả với văn học nghệ thuật nước nhà và khát vọng lớn lao, thuần khiết với cuộc sống. Và gần như tất cả những điều quý giá ấy đều được bộc lộ trong cuốn sách Tỏa sáng đất trời Nam

Đây là cuốn sách dày dặn gồm 470 trang, được trình bày đẹp, sang trọng và sinh động. Nó không chỉ biểu hiện ở chất lượng giấy, cách trình bày đầy thẩm mỹ và khoa học, mà còn lộ rõ ở những bức ảnh, bức vẽ độc, lạ, ấn tượng. Ngay ở phần mục lục cũng được thể hiện hết sức bắt mắt và độc đáo với những hình ảnh thu nhỏ của các nhân vật được đề cập trong sách.

Đặc biệt hơn nữa là cách sử dụng ngôn từ, cách viết trong các bài ở đây hết sức nghiêm cẩn, chính xác, dễ hiểu, trong sáng mà cũng không kém phần thú vị. Điều này đạt được có lẽ là do trước khi là nhà báo, ông Đáng đã nhiều năm làm thầy giáo ở Hưng Yên. Tính mô phạm có lẽ đã theo ông tới tận bây giờ. Nói chung về mặt hình thức, ông Đáng là bậc thầy, một nghệ sĩ điêu luyện ở mặt trình bày sách. Điều này dễ hiểu, bởi ông từng làm tới gần hai chục đầu sách, trong đó có những cuốn hết sức đồ sộ và có những cuốn đạt huy chương về “sách hay, sách đẹp” của Hội Xuất bản Việt Nam. Hơn hết, ông được biết đến trước nhất, nhiều nhất với tư cách là nhà nhiếp ảnh lão luyện.

Song, điều đáng lưu ý hơn cả là nội dung cuốn sách. 

Chúng ta vẫn thường nghe rằng nước Nam ta có nhiều người tài, thời nào cũng có. Ngay các tên đường cũng ngày một được thêm lên là tên các danh nhân - những nhân tài đất Việt. Nhưng với nhiều người, nhất là người trẻ thì nhiều cái tên thực sự xa lạ. Vô số phương tiện truyền thông đại chúng không ít lần nhắc đến danh nhân này, danh nhân khác, người ta cũng chỉ thấy thào qua quen quen, biên biết nhưng không mấy ai hiểu, ai nhớ. Kể cả khi học phổ thông, học sinh phải thuộc thơ văn của nhà nọ nhà kia, phải nhồi nhét tiểu sử của ông này bà nọ, nhưng thực sự vào đầu họ chẳng được bao nhiêu nữa là đọng ở tim hay găm vào tâm khảm. Rất nhiều cái tên bảng lảng, mờ nhạt, hay mù tịt; chưa nói tới việc hiểu sai, “râu ông nọ cắm cằm bà kia” dẫn đến nhiều hệ lụy đáng tiếc, thể hiện một kiến văn hạn chế. Nhưng tới lúc đọc cuốn sách này thì chỉ qua vài nét chấm phá, có khi là mấy câu thoại của tác giả với nhân vật hay một vài mẩu chuyện đời tư chưa công bố mà từng danh nhân được hiện lên vô cùng sinh động, gần gũi, rõ nét, đáng yêu, đáng nhớ. Hơn hết, bên cạnh đó, họ vẫn giữ được vẻ lừng lững cao vời khác biệt, những tài năng xuất chúng mà không phải ai cũng thẩm thấu hay “đọc”, “gọi” ra được.

Nhà báo - nghệ sĩ Hoàng Kim Đáng tuổi 85 với công trình “Tỏa sáng đất trời Nam” - 2

Nhà báo, NSNA Hoàng Kim Đáng.

Có thể kể đến như Văn Cao, Hữu Ngọc, Tôn Thất Tùng, Đặng Huy Trứ, Khánh Ký, Tào Mạt hay như Trịnh Công Sơn, Nguyễn Tuân, Trần Văn Giàu, Đỗ Nhuận, Ông Văn Tùng v.v… Tất thảy cuốn sách đề cập đến 40 danh nhân. Nhưng các danh nhân này không phải được viết, được nhìn nhận hay được thống kê thành tích theo một khuôn mẫu nào đó, mà mỗi nhân vật lại có cách khai thác và cảm thụ riêng nhằm làm bật nên một ý đồ nào đó.

Ví như Văn Cao, tác giả nhấn mạnh tới sự bi hùng của cuộc đời con người này. Hùng ở đâu và bi chỗ nào đều ẩn sau mỗi tứ chuyện mà tác giả kể. Đó là kiểu viết lấy người gợi chuyện. Nói A để nảy B. Nói về Văn Cao nhưng lại gợi cho lớp trẻ hiểu sâu sắc về bi kịch “Nhân văn giai phẩm” nổi tiếng kinh hoàng một thời. Bi kịch thời thế kiểu ấy có thể xóa nhòa những tên tuổi lừng lẫy, làm “bay màu” biết bao tài năng xứ này.

Còn rất nhiều ý tứ khác đằng sau mỗi nhân vật, mỗi câu chuyện mà tác giả khắc họa. Nó làm nên sức nặng ngoài con chữ của Tỏa sáng đất trời Nam. Ở khía cạnh nào đấy, người ta còn có thể hiểu rằng để có một nhân tài không phải là điều dễ dàng. Mỗi nhân tài xuất hiện cũng đồng nghĩa với việc ra đời một số phận nhiều đắng cay nghiệt ngã, nhiều uẩn ức, gian nan, đố kỵ vô lối lắm khi không thể nói nổi bằng lời.

Cuốn sách này không chỉ có ý nghĩa tham khảo mà nó còn như một thứ bách khoa toàn thư về những tài năng thuộc rất nhiều lĩnh vực văn học nghệ thuật, văn hóa, hội họa, âm nhạc, y học, sân khấu, nhiếp ảnh… Nó cần thiết đặc biệt cho giới trẻ hiện nay, khi mà chúng thuộc sử Tàu, hay biết đến nhân vật hot girl sặc sỡ này, hay hot boy màu mè kia mà không hề hiểu về những vĩ nhân có ảnh hưởng, có đóng góp lớn lao cho dân tộc, cho cuộc sống hôm nay. “Dân ta phải biết sử ta” đã trở thành đòi hỏi bức thiết, và cuốn sách Tỏa sáng đất trời Nam đáp ứng được phần nào những yêu cầu đó của xã hội đương đại.

Đọc cuốn sách không chỉ khiến lòng người trào dâng niềm kính nể, yêu mến những danh nhân trong sách hay ngả mũ trước sự kỳ công, am hiểu sâu rộng nhiều mặt đời sống xã hội của tác giả, mà còn dấy lên niềm hãnh diện vì mình được là công dân của một đất nước có nhiều địa linh, nhân kiệt; thấy yêu hơn những tên phố, tên đường. Tâm hồn được cảm hóa, nhìn chỗ nào cũng thấy đẹp như tranh, thấy lĩnh vực nào cũng hiển lộ vĩ nhân…. Những vĩ nhân ấy cao vời mà giản dị, gần gũi như người thân cạnh ta thôi. Vậy thì hà cớ gì ta không gắng gỏi trong mỗi thời khắc, chắt chiu từng giá trị sống giống như tác giả của chính cuốn sách này đây? Ông phải chắt chiu bao năm mới có được những mẩu chuyện, những bức ảnh chân thực, sống động và giá trị về những vĩ nhân như vậy. Hà cớ gì ta không ước mơ cống hiến? Để biết đâu đến một ngày nào đó “đủ nắng hoa sẽ nở”. Ta cũng giống như một trong những danh nhân này, tỏa sáng trên chính lĩnh vực mà ta theo đuổi. Đọc cuốn Tỏa sáng đất trời Nam khiến người ta yêu hơn cuộc đời, thêm mến thương những người quanh ta, trân trọng từng khoảnh khắc sống. Hơn nữa, nó khơi gợi trong mỗi độc giả sự dám sống và sống có ý nghĩa. 

Đây thực sự là cuốn sách cần có cho mỗi gia đình, mỗi người trẻ cần đọc khi bước vào đời và hẳn sẽ lý thú cho mỗi người già khi soi vào, chiêm nghiệm về những gì đã qua, sống dậy những cảm xúc tốt đẹp từng có trong quá khứ.

Tự hào với người cha là danh y, nghệ sĩ Hoàng Kim Đáng vẫn thường kể cho bạn hữu nghe về người cha hết mình phục vụ người bệnh tới khi nhắm mắt. Còn ông, ông luôn tâm nguyện sẽ hết mình tạo ra “nguồn thuốc bổ dưỡng tinh thần” tặng cho đời tới hơi thở cuối cùng.

Cuốn sách Tỏa sáng đất trời Nam ra mắt bạn đọc vào ngày đầu tháng 11 năm 2024 (cùng ngày 1 đầu tháng 10 âm lịch) tại Nhà xuất bản Hội Nhà văn, số 65, Nguyễn Du, Hà Nội./.

Huệ Ninh

Tin liên quan

Tin mới nhất

Ấn tượng khai mạc Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội lần thứ VII

Ấn tượng khai mạc Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội lần thứ VII

Lấy cảm hứng từ nghệ thuật văn hóa dân gian truyền thống đan xen những công trình kiến trúc hiện đại mang tính biểu tượng của Hà Nội, lễ khai mạc Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội lần thứ VII là một hoạt động tôn vinh điện ảnh nhiều sắc màu với sự xuất hiện của nhiều nghệ sĩ điện ảnh danh tiếng của Việt Nam và thế giới.