Vĩnh Linh - Vang mãi những bài ca thời kỳ chống mỹ cứu nước

Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu, Hiệp định Genève 1954 về chấm dứt chiến tranh lặp lại hòa bình ở 3 nước Đông Dương được ký kết. Sông Bến Hải thuộc huyện Vĩnh Linh và Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, nằm trên vĩ tuyến 17 được chọn làm giới tuyến quân sự tạm thời giữa 2 miền Nam – Bắc. Ngày 25/8/1954, tên lính Pháp cuối cùng rút khỏi cầu Hiền Lương, Vĩnh Linh bước vào vị trí chiến đấu mới, nhận lãnh sứ mệnh lịch sử của dân tộc, là tiền đồn miền Bắc XHCN, hậu phương trực tiếp của tiền tuyến lớn miền Nam, của Trị - Thiên ruột thịt. Do vai trò, vị trí đặc biệt của Vĩnh Linh, Trung ương và Chính phủ quyết định Vĩnh Linh là khu vực đặc biệt trực thuộc Trung ương. Ngày 16/6/1955, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 551 – NĐ/TTg thành lập Đặc khu Vĩnh Linh được tổ chức thành một đơn vị hành chính ngang với một tỉnh dưới sự chỉ đạo của Chính phủ Trung ương cho đến ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ngày 25/8/2024, tròn 70 năm Ngày Truyền thống Vĩnh Linh. Quảng Trị sẽ long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm có ý nghĩa này.

Mảnh đất Vĩnh Linh sông nước hữu tình, chiếc đòn gánh nối hai đầu đất nước, được giao thoa các nền văn hóa với những làn điệu dân ca uyển chuyển, trữ tình. Đó chính là mạch nguồn để Vĩnh Linh có những khúc ca sâu lắng, làm say đắm lòng người và đi cùng năm tháng. Ca khúc về Vĩnh Linh từ những ngày đầu hình thành và phát triển có lẽ có từ trong những lời ca của các làn điệu dân ca được phát sinh trước phong trào tân nhạc. Điều này sử sách còn ghi qua các làn điệu dân ca lời cổ. Trong phạm vi bài viết này, tôi muốn nói đến ca khúc viết về Vĩnh Linh trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước.

Vĩnh Linh - Vang mãi những bài ca thời kỳ chống mỹ cứu nước - 1

Cụm di tích đôi bờ Hiền Lương nhìn từ bờ bắc nơi cắm cột cờ giới tuyến. (Ảnh: Nhân dân)

Nếu so với những sáng tác âm nhạc về các địa danh trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước thì những nhạc phẩm viết về Vĩnh Linh vượt trội về số lượng và khá hoàn hảo về chất lượng. Tổng hợp và nghe lại những ca khúc này ta sẽ có một kho biên niên sử bằng nghệ thuật âm thanh về Vĩnh Linh lũy thép. Nhiều ca khúc trở thành quen thuộc với đồng bào trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài. Từ năm 1954, Vĩnh Linh có một vị trí đặc biệt trong tâm khảm người dân Việt Nam, vì thế trên mọi miền Tổ quốc, nhiều nhạc sĩ đã viết về Vĩnh Linh như: Hoàng Vân, Phan Huỳnh Điểu, Hoàng Hiệp, Doãn Nho, Trọng Loan, Đinh Thìn, Thái Qúy, Lư Nhất Vũ…

Các nhạc phẩm về Vĩnh Linh hầu hết thuộc thể loại nhạc hát. Có khi là một ca khúc súc tích như Câu hò bên bờ Hiền Lương, hay một hợp xướng hoành tráng như Sóng Cửa Tùng. Nhạc hát là một thể loại chủ yếu vì nó dễ cảm thụ, đáp ứng yêu cầu kịp thời của công chúng và vì vậy có khả năng lan tỏa nhanh, rộng. Một số nhạc sĩ đã có sự tìm tòi nhất định để xây dựng hình tượng Vĩnh Linh trong âm nhạc để dù chỉ nghe nhạc, không hiểu lời, bạn bè quốc tế cũng phần nào hiểu đó là nhạc phẩm của Vĩnh Linh, của Việt Nam, bởi lẽ, các nhạc sĩ đã lấy âm hưởng và cung quãng dân ca Bình Trị Thiên để xây dựng tuyến giai điệu. Những ca khúc đầu tiên viết về Vĩnh Linh đã có tuổi đời ngót nghét 70 năm bây giờ nghe vẫn xao xuyến bồi hồi xúc động.

Sau Hiệp định Genève đất nước chia cắt làm hai miền, lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới, cầu Hiền Lương - sông Bến Hải làm giới tuyến quân sự tạm thời. Vĩnh Linh trở thành Đặc khu có vị trí đặc biệt; là tiền đồn miền Bắc xã hội chủ nghĩa; hậu phương trực tiếp của cách mạng miền Nam. Vĩnh Linh là trung tâm hội tụ ý chí và khát vọng thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam. Trong vòng khoảng 300 ngày (tháng 9/1954 đến tháng 7/1955), đã có hơn một triệu người di dân từ hai miền, để lại đằng sau mẹ già, con thơ và những mối tình say đắm. Có rất nhiều ca khúc ra đời trong hoàn cảnh này, chứa đựng nỗi lòng kẻ ở người đi. Từng lời ca câu hát đều như gói ghém nỗi niềm của người nghệ sĩ, nói hộ cái tôi cá nhân của con người với những rung cảm sâu sắc.

Hiệp định Genève quy định sau 2 năm hai miền Nam - Bắc phải tổ chức tổng tuyển cử để thống nhất đất nước, nhưng chính quyền Sài Gòn đã phá hoại cuộc tổng tuyển cử này vì lúc đó có trên 80% dân số nước nhà ủng hộ Chính phủ Hồ Chí Minh. Và cũng vì vậy, họ chỉ cho Nhân dân hai miền trao đổi tình cảm qua lá thiếp công khai với hai dòng chữ thôi, chứ không được viết thư dài và dán kín. Bài hát Tình trong lá thiếp (1955) của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu ra đời trong điều kiện đó. Những bưu thiếp với ít dòng ngắn ngủi gửi qua cầu Hiền Lương được thể hiện bằng bài ca thật xúc động và chứa chan tình cảm của một đôi lứa nhưng thực ra là tình cảm của cả dân tộc ta trong một hoàn cảnh lịch sử đặc biệt sau Hiệp định Genève.

Vĩnh Linh - Vang mãi những bài ca thời kỳ chống mỹ cứu nước - 2

Một chương trình nghệ thuật tại Kỳ đài bờ Bắc Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: VGP/Minh Trang

Lời bài hát thật ý nghĩa không những với quá khứ là mong ước “Ngày mai thống nhất Nam - Bắc” mà còn rất ý nghĩa với hiện tại và tương lai với lời nhắn nhủ: “Toàn dân đoàn kết chung sức Bắc - Nam ta cùng chung nhau một dòng máu, chung câu hò”. Tình trong lá thiếp của Phan Huỳnh Điểu là ca khúc từng khiến hàng triệu trái tim yêu nhạc phải rung lên thổn thức mỗi lần nghe và nhớ về một thời đất nước bị chia cắt bởi chiến tranh. Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu - người được mệnh danh là “con chim vàng” của nền âm nhạc Việt Nam - trong hơn 75 năm hoạt động âm nhạc, ông sáng tác hơn 100 tác phẩm, rất nhiều trong số đó là những ca khúc nổi tiếng để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng công chúng. Âm nhạc của ông vang vọng nhiều thập kỷ với những giai điệu hào sảng, luôn chứa đựng một tinh thần lạc quan, tươi đẹp hay những bản tình ca ngọt ngào sâu lắng và cả những ca khúc thiếu nhi bất hủ. Với những đóng góp to lớn trong nền âm nhạc Việt Nam, năm 2000, nhạc sĩ đã vinh dự được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật.

Cùng năm sáng tác với ca khúc Tình trong lá thiếp (1955) của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu có hợp xướng Sóng Cửa Tùng của Doãn Nho: “Lời ca thống nhất/ Vang khắp nơi từ Bắc tới Nam/ Chân bước theo lòng vui chứa chan/ Muôn ngàn lời hô hào chúc mừng/ Dân tộc Việt Nam anh hùng/ Tay nắm tay tưởng trong giấc mơ/ Trông bến sông thuyền chen bóng cờ”. Bản hợp xướng bừng bừng một âm hưởng thống nhất đất nước rền vang, hào sảng, đỉnh đạc về nội dung, đầy đặn và bề thế về hình thức đã thúc giục, cổ vũ cho khát vọng độc lập, thống nhất của dân tộc Việt Nam.

Trong những ngày đất nước bị chia cắt, nhà thơ Thanh Hải đã có những câu thơ quặn thắt: “Xa nhau chỉ một mái chèo/ Mà đi trăm núi vạn đèo đến đây”. Nỗi đau xót, khắc khoải, thủy chung tình nghĩa ấy cũng từng âm ỉ nồng đượm trong nhiều ca khúc ra đời vào buổi đầu đất nước phân hai này, như Câu hò bên bờ Hiền Lương (Hoàng Hiệp - Đằng Giao), Xa khơi (Nguyễn Tài Tuệ), Trên tuyến lửa Vĩnh Linh (Lư Nhất Vũ), Dòng Bến Hải tâm tình của Vĩnh Cát; Tiếng hát bay xa của Trần Kiết Tường; “Cầu Hiền Lương đắm chìm còn trong bể máu” trong Gửi người em gái miền Nam của Đoàn Chuẩn…

Nhạc sĩ Hoàng Hiệp (1931 - 2013) tên thật là Lưu Trần Nghiệp, quê xã Mỹ Hiệp, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Sau năm 1954, ông tập kết ra Bắc và nổi tiếng ngay với sáng tác đầu tay, bài hát Câu hò bên bờ Hiền Lương, sáng tác chung với Đằng Giao. Câu hò bên bờ Hiền Lương ra đời năm 1956 là nỗi nhớ khắc khoải, niềm mến thương, sự ngóng trông hoài vọng, khát khao thống nhất của những đứa con miền Nam trên đất Bắc. Tâm trạng của tác giả là mới hôm nào tập kết ra vàm sông Ông Đốc (Cà Mau) còn vẳng lời dặn dò nhắn nhủ của người thân mong mau chóng trở về, nay nhìn con nước Bến Hải ngày lại ngày xuôi mãi ra biển mà cồn cào thắt ruột: “Bên ven bờ Hiền Lương chiều nay ra đứng trông về/ Mắt đượm tình quê đôi mắt đượm tình quê… Xa xa một đàn chim, sổ mây dang cánh lưng trời/ Hỡi chim hãy dừng cho ta gửi tới phương xa vời…”. Có trong cái cảnh ngày Bắc đêm Nam mới thấu cho nỗi niềm đang nén chặt ấy. Cách sông cách núi nhưng lòng chẳng hề xa, vẫn thủy chung son sắt đợi chờ, với miền Nam, với quê hương và người yêu dấu: “Thuyền ơi có nhớ bến chăng/ Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền/ Nhắn ai xin nhớ câu nguyền/ Qua cơn bão tố vững bền lòng son”.

Thể hiện Câu hò trên bờ Hiền Lương được nhiều người ưa thích nhất là hai nữ ca sĩ nổi tiếng Tân Nhân và Thanh Huyền. Giọng Thanh Huyền trong vắt, còn Tân Nhân ngọt ngào sâu lắng. Có lẽ Tân Nhân, người con của làng Mai Xá, Gio Linh, bên kia sông Bến Hải đã chuyển tải được gần như tuyệt đối nỗi lòng mà các tác giả gửi gắm trong từng lời, từng giai điệu, bởi cũng là người trong cuộc ngày Bắc đêm Nam. Chính vì vậy, ngoài việc thể hiện thành công bài hát Câu hò bên bờ Hiền Lương, Tân Nhân hát Xa khơi như một định mệnh mang tên nghệ sĩ... Bà kể: "Thật thú vị vì tôi đứng bên bờ Bắc nhìn về bờ Nam còn thấy ngọn thông làng Mai Xá của tôi. Nơi ấy có nhà tôi, bà con ruột thịt của tôi đã mười lăm năm xa cách, nhớ thương... Xót xa thay trong buổi chiều êm ả ấy, “Con chuồn con nục còn gọi bạn đường khơi” thì còn biết bao trái tim khao khát yên vui hạnh phúc trên đất nước Việt Nam phải xa cách chia ly..."Biển dập dìu, biển chung tình/ Biển nói lên lời thương nhớ biển ơi...”. Tim tôi thổn thức, tiếng hát tôi vút lên với sự dạt dào của tâm hồn, tình thương nhớ nhiều năm tích tụ và sức mạnh của tuổi thanh xuân...”. Viết vậy có lẽ là bà đã khéo giấu cảm xúc của mình. Bởi những năm tháng hát trên Đài Tiếng nói Việt Nam, gửi tấm lòng về Nam ấy, bà đã hát không chỉ với tiếng hát của một người nữ danh ca mà còn hát với tất cả sự nhớ thương của những người tình xa cách... Chính điều đó đã làm cho giọng hát Tân Nhân với Câu hò bên bờ Hiền LươngXa khơi gây xúc động mạnh đến như vậy. 

Ca khúc Xa khơi được sáng tác năm 1961 khi nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ đang ở Đoàn ca múa nhạc Nhân dân trung ương, được giải Nhì (không có giải nhất) cuộc vận động sáng tác ca khúc về đề tài thống nhất đất nước. Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ sinh ngày 15/5/1936 tại Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Vào năm 1958, nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ đã được trải nghiệm một đợt đi thực tế tại vùng giới tuyến Vĩnh Linh, ông đã hình thành ý tưởng sáng tác một tác phẩm nếu có thể, đi xuyên qua không gian, thời gian, còn mãi trong lòng người. Hồn cốt của tác phẩm được ông lựa chọn theo điệu thức của ví, giặm, một loại hình âm nhạc dân gian của Nghệ - Tĩnh. Dòng âm nhạc dân gian này tuy đơn giản, điệu thức chỉ 5 nốt re, fa, sol, la, do, nhưng ẩn giấu một chiều sâu tiềm tàng, một nội lực như cốt cách tâm hồn của người dân xứ Nghệ. Mạch nguồn dân ca ấy đã gặp thời cơ để có thể bùng nổ trong hàng trăm tác phẩm âm nhạc của các nhạc sĩ đương đại.

Trong dòng chảy ấy, Xa khơi của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ đã có thể giương cánh buồm êm ả vươn xa. Đã 63 năm qua, bài hát Xa khơi được đưa vào các nhạc viện, học viện âm nhạc trên toàn quốc cho các thế hệ học sinh, sinh viên hát; được chọn để thi cử trong các cuộc thi Quốc gia dòng nhạc dân gian và thính phòng. Và Xa khơi đã xuyên qua không gian, thời gian, là một trong bộ 5 tác phẩm để nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật đợt 1, năm 2001. 

Nói đến những nhạc sĩ sáng tác về Vĩnh Linh trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, người đời sẽ gọi tên nhạc sĩ Hoàng Vân. Cố nhạc sĩ Hoàng Vân (1930 - 2018) có tên khai sinh là Lê Văn Ngọ, sinh tại Hà Nội, là một trong những nhạc sĩ lớn, có nhiều đóng góp cho sự phát triển của nền âm nhạc Việt Nam hiện đại. Ông là tác giả nhiều bài hát nổi tiếng được công chúng nhiều thế hệ yêu thích như Hò kéo pháo, Hà Nội - Huế - Sài Gòn, Tâm tình người thủy thủ, Quảng Bình quê ta ơi!, Bài ca xây dựng,  Hát về cây lúa hôm nay, Tình yêu của đất và nước... Số lượng tác phẩm của ông đồ sộ đi liền với chất lượng nghệ thuật đặc sắc, càng theo thời gian càng tăng thêm vẻ đẹp tiềm ẩn.

Đặc điểm phong cách âm nhạc của Hoàng Vân là luôn thấm đượm phong vị dân tộc, có giai điệu đẹp, trau chuốt, giàu sức biểu cảm, dễ vào lòng người. Đa số các ca khúc của ông đều có chất liệu từ những làn điệu dân ca mà Bài ca Vĩnh Linh được xem là một trường hợp tiêu biểu. Bài ca Vĩnh Linh được Hoàng Vân sáng tác vào khoảng năm 1966. Lúc này đế quốc Mỹ đã leo thang chiến tranh phá hoại miền Bắc. Hà Nội, Hải Phòng và nhiều thành phố lớn khác đã bị ném bom. Người dân nơi đây cùng nhiều cơ quan đã đi sơ tán về các vùng nông thôn, miền núi hẻo lánh để tránh bom, chỉ còn lại những người trực tiếp sản xuất và chiến đấu. 

Lúc này, Hoàng Vân đang làm công tác dàn dựng và chỉ huy dàn nhạc ở Đài Tiếng nói Việt Nam. Ông được tham gia một đoàn nhạc sĩ vào tuyến lửa miền Trung (Quảng Bình, Vĩnh Linh) để thâm nhập thực tế sáng tác. Vĩnh Linh khi ấy có thể nói là cái túi bom của giặc. Thiên nhiên, thổ nhưỡng nơi đây vốn dĩ khắc nghiệt cộng với chiến tranh khốc liệt đã tôi rèn con người xứ sở này trở nên giàu bản lĩnh, kiên cường.

Nơi đầu sóng, ngọn gió này đã khiến Hoàng Vân dâng trào cảm xúc. Và những câu nhạc đầu tiên được tuôn ra rất nhanh: "Ngó bên tê Trường Sơn một dải/ Nghe bên ni sóng vỗ Cửa Tùng/ Vĩnh Linh ơi trăm mến ngàn thương/ Quê ta đó đứng đầu sóng gió…". Rồi tiếp theo, ông đã phát triển bài hát không mấy khó khăn. Chỉ trong một ngày, ông đã hoàn thành bài hát với 2 lời ca phong phú và sâu sắc về nội dung.

Bài hát sử dụng chất liệu các điệu hò miền Trung, nhuần nhụy chất dân ca Quảng Trị không lẫn với đâu được. Có thể nói Bài ca Vĩnh Linh thực sự là một ca khúc hoàn chỉnh, mẫu mực về mọi phương diện của nghệ thuật sáng tác ca khúc, đặc biệt là ca khúc viết về các vùng quê hương đất nước.

Sinh thời, nhạc sĩ Đỗ Nhuận - nguyên Tổng Thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam - nhiều khóa đã nói về Hoàng Vân: "Ở nước ta, có hai nhạc sĩ tài ba viết về các địa phương hay nhất. Đó là Nguyễn Văn Tý và Hoàng Vân. Riêng Hoàng Vân, đã cho ra được hai bài thật đặc sắc về hai địa phương sát cạnh nhau. Đó là Quảng Bình (Quảng Bình quê ta ơi) và Vĩnh Linh (Bài ca Vĩnh Linh)".

Bước vào cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, Đảng ta nêu cao khẩu hiệu “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”. Cùng đó dòng âm nhạc kháng chiến đã chuyển động theo hướng tất cả để động viên, cổ vũ toàn quân, toàn dân ta kháng chiến. Ca khúc viết về Vĩnh Linh, Cồn Cỏ làm nhiệm vụ như một cuốn “Biên niên sử bằng âm thanh” theo sát từng sự kiện, khắc họa trung thực cuộc sống, chiến đấu, lao động của quân và dân Vĩnh Linh lũy thép. Âm nhạc trong giai đoạn này là tiếng kèn báo tin vui chiến thắng của quân và dân ta mỗi khi vượt qua từng trận chiến ác liệt được đổi bằng xương máu của những người con quả cảm.

Năm 1966, Xuân Giao sáng tác bài Giữ biển trời Quảng Bình - Vĩnh Linh. Đây cũng là lúc không quân và hải quân địch đánh phá ác liệt miền Bắc. Giai điệu bài hát vừa trầm hùng, vừa tươi mát thể hiện tinh thần lạc quan trong chiến đấu của quân dân Quảng Bình - Vĩnh Linh. Cùng với đó là những ca khúc Trên luống cày ta xây trận tuyến của Thái Qúy, Vĩnh Linh đất mẹ anh hùng của Đinh Thìn đã ra đời như là bài học giáo dục lòng yêu nước, yêu quê hương sâu sắc qua âm thanh, giai điệu.

Bên cạnh đó, có thể nói nhân vật trung tâm trong sáng tác âm nhạc là hình tượng người chiến sĩ. Sự trưởng thành của những “nhân vật trung tâm” trong ca khúc đã phản ảnh quá trình bám sát đời sống hiện thực và sự vươn lên về nhận thức, thế giới quan cách mạng của người nghệ sĩ. Nổi bật về chủ đề này là bài hát Thái Văn A đứng đó của nhạc sĩ Văn An: “Sừng sững chòi cao trên hòn đảo nhỏ/ Như ngọn hải đăng bốn mùa sóng gió/ Thái Văn A, Thái Văn A đứng đó/ Yêu đảo như quê giây phút chẳng rời/ Mắt dõi tầm xa canh giữ biển trời/ Đứng nơi đây thức canh cho đất nước…”.

Ca khúc cho chúng ta cảm nhận rõ tinh thần anh dũng, kiên cường, tâm huyết của lớp lớp thế hệ chiến sĩ, cán bộ và Nhân dân đã chiến đấu, hy sinh để bảo vệ “đảo nhỏ anh hùng” như “danh hiệu” mà Bác Hồ khen tặng cho Cồn Cỏ trong bức thư khen ngày 5-6-1968: “Cồn Cỏ nở đầy hoa thắng trận/ Đánh cho tan xác giặc Huê Kỳ”. Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Thái Văn A (1942-2001) là một trong 5 chiến sĩ trên đảo được phong Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, cùng với Nguyễn Tăng Mật, Cao Văn Khang, Cao Tất Đắc, Bùi Hạnh. Đáp lại tình cảm của Bác Hồ và đất liền, cán bộ, chiến sĩ trên đảo nguyện “Thà hy sinh, quyết không để đảo lọt vào tay quân thù”. Nếu như ở đất liền có khẩu hiệu “Đất liền còn, Cồn Cỏ còn” thì cán bộ, chiến sĩ trên đảo đáp lại “Còn đất liền, còn đảo”. Mỗi trận địa đều được cán bộ, chiến sĩ đặt một cái tên như Hà Nội, Sông Hồng, Hà Nam, Hải Phòng, Ấp Bắc…

Vĩnh Linh - Vang mãi những bài ca thời kỳ chống mỹ cứu nước - 3

Âm nhạc viết về Vĩnh Linh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước có nhiều sáng tạo về thể loại và ngôn ngữ biểu hiện (ảnh minh họa). Ảnh: VGP/Minh Trang

Để kịp thời biểu dương tinh thần chiến đấu anh dũng của cán bộ, chiến sĩ trên đảo Cồn Cỏ, từ năm 1965 đến năm 1968, Bác Hồ kính yêu đã 3 lần gửi thư thăm hỏi, động viên. Và nhạc sĩ Trọng Loan cũng đã viết ngay bản hành khúc Gửi Cồn Cỏ anh hùng dựa trên chất liệu dân ca và hò Quảng Trị đã mang tới cho hành khúc Việt Nam một sáng tạo mới khi đưa cả âm hưởng hò khoan vào nhịp điệu này. Cái sức hút của giai điệu giản dị này do Trọng Loan đã thấm sâu cái chất hò giã gạo của Quảng Trị mà truyền nó như truyền lửa vào người.

Nhạc sĩ Trọng Loan (1923-2010) là một tên tuổi lớn trong nền âm nhạc Việt Nam. Ông là một trong những cánh chim đầu đàn của đội ngũ các nhạc sĩ Quân đội ngay từ những ngày đầu sau khi ta giành được chính quyền cách mạng về tay Nhân dân. Cả một đời sáng tác, ông để lại gia tài âm nhạc đồ sộ với hàng trăm ca khúc, nhiều tác phẩm được phổ biến rộng rãi. Ông đã được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2001. Ngoài bài hát Gửi Cồn Cỏ anh hùng, với người dân Quảng Trị còn được biết đến ca khúc bất hủ Quân reo quê mẹ Quảng Trị anh hùng, giai điệu của bài hát đã được Đài Phát thanh – Truyền hình Quảng Trị chọn làm nhạc hiệu.

Tháng 8/1965, sau khi bị quân dân Khu 4 sử dụng pháo phòng không tầm thấp và súng bộ binh giáng trả quyết liệt các đợt oanh kích của không lực Mỹ, bọn địch đã tăng cường kiểm soát các tuyến đường biển, đường sông, đường bộ của vùng đất Vĩnh Linh. Trong thời điểm ác liệt ấy, cấp trên điều động một đoàn văn nghệ sĩ ra phục vụ cán bộ, chiến sĩ đảo Cồn Cỏ. Đoàn đi gồm có: nhạc sĩ Lương Ngọc Trác, nhà văn Nguyễn Khải, họa sĩ Quang Thọ, nhà quay phim Phạm Hanh, nhà viết kịch Sĩ Hanh, cùng 5 chiến sĩ văn công: Nguyễn Phu, Ánh Dương, Minh Cảnh, Kim Huệ và Phan Ngạn. Nhận lệnh ra đảo chỉ một tuần rồi trở lại đất liền, nhưng bị địch đánh phá liên tục nên một tháng trôi qua vẫn không thể vào được. 

Bom đạn, đói khát; gạo tính từng hạt, nước đong từng giọt; anh em văn nghệ sĩ cùng cán bộ, chiến sĩ đảo Cồn Cỏ phải ngày đêm bám giữ chiến đấu với quân thù. Ngồi bên cửa hầm, Phan Ngạn viết bài kể chuyện đảo theo điệu lía dân ca Khu 5: “Cồn Cỏ có con cua đá, rau dền, rau má, lá bứa canh chua, lính chén thật no đánh Mỹ càng khỏe”. Nghe hát, ba chiến sĩ đang đào hào cạnh đó đề nghị Phan Ngạn chuyển thành tam ca vui. Nghĩ hợp lý, thế là Phan Ngạn chuyển luôn “Cồn Cỏ ấy có con cá đua là con cua đá”. Vừa lúc Trung úy Ngọc Cừ - Chính trị viên phó đi ngang, Phan Ngạn mời cùng viết một bài hát để kỷ niệm. Phan Ngạn xướng cùng Ngọc Cừ và Thái Quý đã hoàn thành bài hát. Phan Ngạn mang lên thông qua lãnh đạo đoàn, nhưng bài hát Con cua đá không được duyệt, vì “tiết tấu nhạc giật gân”. Nhân dịp đoàn đến phục vụ nhà thơ Tố Hữu vào Nghệ An công tác, theo yêu cầu, anh Chất - đoàn phó- đem bài hát này ra hát cho nhà thơ Tố Hữu nghe. Nghe xong, Tố Hữu bảo: “Sáng mai bảo anh Ngạn đem bài hát cho tôi”. Được tin, đêm ấy Phan Ngạn nhờ nhạc sĩ Thái Quý chép lại trọn vẹn bài hát rồi mang đến đưa cho nhà thơ Tố Hữu. Khi đang ở chiến trường Trà My- Quảng Nam, Phan Ngạn đã được nghe bài hát của mình phát trên đài Tiếng nói Việt Nam. Bài hát “Con cua đá” của Ngọc Cừ và Phan Ngạn biểu hiện sự lạc quan, vui nhộn của người chiến sĩ Cồn Cỏ. Qua đó thấy rằng, nét bao trùm trong các tác phẩm âm nhạc, được thể hiện qua các đề tài và hình tượng nghệ thuật dưới mọi sắc độ âm thanh là chủ nghĩa yêu nước gắn chặt với chủ nghĩa anh hùng cách mạng, sự lạc quan cách mạng về một ngày mai tươi sáng, chiến thắng quân thù.

Nhìn từ góc độ nghệ thuật, âm nhạc viết về Vĩnh Linh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước có nhiều sáng tạo về thể loại và ngôn ngữ biểu hiện. Âm nhạc đã có những biến đổi về chất và luôn đồng hành với sự phát triển của cuộc chiến tranh ái quốc vĩ đại. Các thể loại, loại hình âm nhạc đều bám sát đời sống hiện thực và nhiệm vụ chính trị và có khuynh hướng “dân tộc hóa”. Phổ biến trong nhiều ca khúc quần chúng (hành khúc, tập thể và chính ca), là sự hiện diện đa dạng nguồn chất liệu (âm điệu hò giã gạo, hò hụi, ví giặm…).

Đặc biệt, bắt đầu có sự góp mặt của thể loại hợp xướng mà người mở đầu là nhạc sĩ Doãn Nho. Sự xuất hiện của những thể loại này là một trong những thành quả đáng ghi nhận. Một số tác phẩm đã có sức khái quát cao khi phản ánh hiện thực vĩ đại của công cuộc kháng chiến, đấu tranh thống nhất nước nhà. Nhìn chung, âm nhạc viết về Vĩnh Linh thời chống Mỹ cứu nước giàu có về nội dung, đề tài; phong phú về thể loại và ngôn ngữ biểu hiện. Đó thực sự là lời hiệu triệu thôi thúc, giục giã thiết tha, sâu lắng, đầy ân nghĩa, ân tình và lời thề quyết chiến quyết thắng của quân dân Vĩnh Linh trong thời khắc khốc liệt của chiến tranh. Những thành tựu đó đã tạo tiền đề cho bước phát triển của nền âm nhạc Vĩnh Linh - Cồn Cỏ ở những giai đoạn tiếp theo của lịch sử Việt Nam hiện đại. Vĩnh Linh - 70 năm chiến đấu, xây dựng, đổi mới và phát triển đồng hành với những bài ca thời kỳ chống Mỹ cứu nước, tự tin bước tới cùng quê hương, đất nước xây dựng một cuộc sống ngày càng phồn vinh, ấm no, hạnh phúc; kiêu hãnh Vĩnh Linh - 70 năm lũy thép, lũy hoa./.

Nguyễn Văn Dùng

Tin liên quan

Tin mới nhất

Ấn tượng khai mạc Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội lần thứ VII

Ấn tượng khai mạc Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội lần thứ VII

Lấy cảm hứng từ nghệ thuật văn hóa dân gian truyền thống đan xen những công trình kiến trúc hiện đại mang tính biểu tượng của Hà Nội, lễ khai mạc Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội lần thứ VII là một hoạt động tôn vinh điện ảnh nhiều sắc màu với sự xuất hiện của nhiều nghệ sĩ điện ảnh danh tiếng của Việt Nam và thế giới.